Loài người tiền sử đang bị nghi ngờ đã xóa sổ loài chim lớn nhất từng tồn tại sau khi phát hiện ra các bộ xương hóa thạch có các vết cắt rõ ràng.
Theo các nhà khoa học, rất rõ ràng rằng loài chim voi Madagascar đã bị săn bắt và giết mổ làm thịt.
Di cốt của chúng có niên đại khoảng 10.000 năm trước.
Cho đến nay, những người khai hoang đầu tiên được cho là đã đến hòn đảo này khoảng 2.500 - 4.000 năm trước.
Tiến sĩ James Hansford, một nhà khoa học thuộc Hội Động vật học Luân Đôn, Anh, cho biết: “Phát hiện này đã đẩy niên kỉ con người đặt chân lên hòn đảo này lên trước ít nhất 6.000 năm”.
Ngoài đặt ra nghi vấn về lịch sử loài người, phát hiện này còn gợi ý rằng cần có một “giả thuyết tuyệt chủng khác hoàn toàn” để hiểu được sự biến mất của loài động vật độc đáo của hòn đảo.
Hơn cả xóa sổ loài vật này trong một thời gian ngắn, loài người có vẻ đã sống kế bên loài chim này hàng nghìn năm, trước khi chúng bị tuyệt chủng khoảng 1.000 năm trước.
Tiến sĩ Hansford cho biết: “Có vẻ con người đã sinh sống cùng loài chim voi và các loài thú hiện tại đã tuyệt chủng khác hơn 9.000 năm, với tác động tiêu cực hạn chế lên sự đa dạng sinh học trong phần lớn khoảng thời gian này, mang tới nhận thức mới cho việc bảo tồn ngày nay”.
Chim voi từng là loài chim phổ biến ở Madagascar.
Chúng nặng ít nhất nửa tấn, khi đứng cao khoảng 3m và đẻ những quả trứng khổng lồ, còn to hơn cả trứng khủng long.
Chim voi, Aepyornis và Mullerornis, đã sống cùng các loài vật đặc biệt khác trên hòn đảo, gồm loài vượn cáo khổng lồ, cũng đã tuyệt chủng.
Có rất nhiều giả thuyết về lí do và khi nào việc này xảy ra, và loài người có liên quan tới mức độ nào.
Nghiên cứu cũng lật lại các ý tưởng về sự xuất hiện của những người đầu tiên trên hòn đảo nhiệt đới này.
Giáo sư Patricia Wright đến từ Đại học Stony Brook, nhà đồng nghiên cứu của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi không biết nguồn gốc của những người này và sẽ không biết cho đến khi tìm được thêm các bằng chứng khảo cổ khác. Nghi vấn còn sót là – những người này là ai? Và khi nào và tại sao họ lại biến mất?”